Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam – Nhật Bản

member1

JVNET.vn – Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chỉ riêng trong năm 2016, lượng thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản đã lên tới 40.000 người, nâng tổng số TTS Việt Nam tại Nhật tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người.

Tăng Cường Việt Nam - Nhật Bản

Chương trình TTS Việt Nam sang Nhật đã đem lại cơ hội lớn cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam, giúp họ nâng cao thu nhập và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi kỹ năng để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, số lượng thực tập sinh trở về nước cũng đang tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó chương trình đào tạo này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: mức chi phí sang Nhật quá lớn cùng với trình độ và nguyện vọng của thực tập sinh về nước không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng” tại Hà Nội ngày 26/5, TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cho rằng, chi phí tham gia chương trình cao khiến TTS phải vay nợ trong giai đoạn đầu. Trước áp lực trả nợ lớn khiến TTS tập trung quá nhiều vào kiếm tiền mà sao nhãng việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong những tháng đầu tiên tại Nhật Bản.

Cả doanh nghiệp phái cử và TTS đều tin rằng chi phí tuyển dụng là tương đối cao. Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có xu hướng trả tiền cho các nghiệp đoàn thể có được đơn hàng thay vì cạnh tranh bằng cách giảm chi phí tuyển dụng. Đối với thị trường Nhật Bản, thực tập sinh không biết rằng doanh nghiệp tiếp nhận bên Nhật phải trang trải nhiều chi phí cho thực tập sinh.

Bên cạnh đó, TS.Thành cho biết, thương hiệu của các doanh nghiệp phái cử chưa đủ mạnh nên rất nhiều TTS vẫn phụ thuộc vào môi giới trung gian thay vì trực tiếp liên hệ với công ty. Bản thân các môi giới trung gian cũng được “thể chế hóa” như phải thông qua các cơ quan giới thiệu việc làm tại địa phương, hay lãnh đạo các trường dạy nghề…

Hội thảo XKLĐ

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, vấn đề còn tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Điều này khiến chi phí tuyển dụng TTS đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập cho TTS, ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của họ. Thêm vào đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty phái cử dẫn tới thực trạng nhiều công ty không chú trọng vào việc đào tạo, định hướng đầy đủ cho TTS trước khi tham dự chương trình tại Nhật Bản, khiến TTS gặp khó khăn khi phải thích nghi với môi trường làm việc mới cũng như duy trì động lực học tập.

Ngoài ra, việc khó nhận diện các công ty phái cử làm ăn chộp giật đã phần nào làm xấu đi hình ảnh của Chương trình, tạo khó khăn cho các bên tham gia. Mặc dù Hiệp hội Xuất Khẩu Lao Động Việt Nam (VAMAS) đã có một hệ thống xếp hạng các công ty nhưng số lượng các công ty tham gia xếp hạng con chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nên vẫn gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường.

Tăng cường cung cấp thông tin

Bạn Trần Thanh Sơn – đại diện thực tập sinh vừa mới kết thúc khóa thực tập kỹ năng tại Nhật Bản chia sẻ, mức chi phí sang Nhật hiện còn quá cao. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các bạn khi đến Nhật Bản. TTS này mong muốn phía Việt Nam và Nhật Bản có thể đưa ra những giải pháp tích cực cũng như quan tâm hơn đến đời sống của các thực tập sinh để họ có thêm động lực học tập và làm việc để phát triển bản thân.

Để tạo động lực hỗ trợ tốt hơn cho thực tập sinh, VAMAS đã thiết lập hệ thống đánh giá xếp hạng nhằm phân loại doanh nghiệp phái cử có trách nhiệm đối với thực tập sinh trước, trong và sau khi tham gia chương trình.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, cần thiết phải tiến hành cải thiện tính minh bạch của thị trường. Cung cấp phổ biến nhiều thông tin hơn tới các bên liên quan, đặc biệt là thực tập sinh. Cần phải nhận diện các bên liên quan chính, giảm vai trò của môi giới, nâng cao vai trò và năng lực của doanh nghiệp phái cử, từ đó giảm chi phí tuyển dụng.

TS. Thành cũng đưa ra một số kiến nghị như: nâng cao vai trò của VAMAS, với tư cách là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp, chủ động hơn trong việc hỗ trợ các dịch vụ liên quan tới thủ tục hành chính của toàn bộ chương trình, tăng cường giới thiệu các kênh và hình thức cung cấp thông tin, dịch vụ cho các bên liên quan…

Bên cạnh đó, Viện trưởng VEPR đề xuất, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật nhằm giảm chi phí tuyển dụng TTS và hỗ trợ doanh nghiệp phái cử quản lý TTS. Bên cạnh đó xây dựng trang web để xử lý và cập nhật các thủ tục hành chính do chính quyền Việt Nam quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và giảm chi phí cho doanh nghiệp phái cử.

Theo VOV.VN


Bài viết liên quan