Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản – ông Shinji Muori khi trả lời báo Tiền Phong trong buổi làm việc tại Tokyo – Nhật Bản.
Lao động Việt Nam chăm chỉ học hỏi
Nội dung bài viết
Tuần đầu tháng 7/2017, được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp báo Xây dựng Việt Nam và báo tin tức Kỹ thuật của Tokyo Nhật Bản. Chúng tôi đến một số công trường công nhân trẻ Việt Nam đang làm việc, thực tập kỹ thuật trên đất nước Nhật Bản. Đặc biệt, đây là công trường đang áp dụng công nghệ thi công cầu Composite dầm chữ U hiện đại chưa từng có tại Việt Nam.
Cách thủ đô Tokyo khoảng 100km, các công nhân thuộc công ty Cienco 4 Việt Nam được tham gia thi công công trình cầu cạn liên tục thuộc nút giao Atsugi Minami trên đường cao tốc Shin Tomei và 7 tuyến chính, cầu dẫn thuộc một công ty trong tập đoàn Sumitomo, đối tác quan trọng truyền thống của Tổng công ty xây dựng giao thông Cienco 4(Việt Nam) nhiều năm qua.
Hai công nhân trẻ Trịnh Hữu Thọ (Hương Sơn – Hà Tĩnh) học ở Nga về và Hồ Sỹ Trung (Lộc Hà – Hà Tĩnh) học cao đẳng Xây dựng miền Trung, được sang đây thực tập kỹ thuật với thời hạn 3 năm, hiện đảm nhiệm ráp khuôn trong dây chuyền thi công. Cả Thọ và Trung tự tin khẳng định mình đã nắm bắt được công nghệ, hòa nhập cùng công nhân, kỹ sư Nhật Bản và các nước tham gia thi công công trường.
Các anh cùng 6 công nhân của Cienco 4 đang được tham gia cùng dây chuyền thi công cầu bằng công nghệ tiên tiến tại Nhật Bản. Đúc sẵn dầm cầu Composite chữ U, đưa ra hiện trường chỉ lắp ráp trong thời gian ngắn, vừa giảm đáng kể trọng lượng dầm cầu, giảm thời gian thi công, giảm giá thành, tăng hiệu quả chịu lực.
Công nghệ dầm cầu Composite chữ U nếu sớm được chuyển giao về áp dụng tại Việt Nam sẽ rất hiệu quả trong điều kiện nền đất yếu, cát xây dựng đang khan hiếm và tăng giá thành liên tục, các công trình thường bị thi công kéo dài do thời tiết…
Từ người quản lý công trường – anh Shiba, đến kỹ sư Seike, đến cô Tsurumi Tomoka – quản lý hành chính đều chung nhận định, các công nhân Việt Nam khiêm tốn, học hỏi chăm chỉ, tiếp thu công nghệ nhanh và hòa nhập được tại các công trường áp dụng công nghệ cao.
Xem thêm: Những ưu thế của thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản
180 nghìn thực tập sinh, học sinh người Việt tại Nhật Bản
Chăm chỉ, tiếp thu nhanh, hòa nhập và đang đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản, đó là những nhận xét của ngài Shinji Muori, Thứ trưởng Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT) khi nói về những lao động Việt Nam tại Nhật.
Như để minh chứng cho sự quan tâm của Chính phủ Nhật Bản đối với người lao động Việt Nam, ông Muori cũng đưa cho báo Tiền Phong một tấm card, in bằng tiếng Việt, ghi rõ Đường dây nóng hỗ trợ lao động ngành xây dựng người Việt tại Nhật Bản, giải đáp bằng tiếng Việt mọi thắc mắc, giúp đỡ lao động khi gặp khó khăn.
Ông Muori cũng nhấn mạnh, Nhật Bản đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện quyết tâm đăng cai Thế vận hội năm 2020 thành công nhất, yêu cầu về các công trình mới phục vụ giao thông, thể thao, dịch vụ du lịch rất lớn nên hầu hết khắp trên nước Nhật, hàng loạt các công trình mới đang khẩn trương thi công và lao động Việt Nam là một nguồn lực đáng ghi nhận trong các công trình quan trọng đó.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường thì tại Nhật Bản hiện có tới 200.000 người Việt, trong đó 180.000 là thực tập sinh, du học sinh… Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, độ tuổi lao động bình quân của người Nhật rất cao, tới 60-70 tuổi, tùy từng vùng.
Chính vì thế, lao động trẻ từ Việt Nam sang nếu chăm chỉ và hòa nhập chắc chắn được trọng dụng và có thu nhập thỏa đáng. Các chủ doanh nghiệp Nhật cũng rất quý mến lao động Việt Nam, thường tự lái xe đưa lao động đi tham dự lễ hội, mời về nhà và cùng nấu ăn trong các ngành nghỉ…
Năm 2017 được coi là năm tạo dấu ấn quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Nhật hoàng và Hoàng hậu. Và sau chuyến thăm chính thức mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng số lượng hợp đồng kinh tế và biên bản ghi nhớ ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước lớn chưa từng có, tới 22 tỷ đô la Mỹ.
Hiện các cơ quan hữu quan hai nước đang xúc tiến nhiều thỏa thuận để sự hợp tác về kinh tế công nghiệp, xây dựng, giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, chuyển giao công nghệ, đào tạo, y tế… tăng cường lên mức cao hơn.
Lao động trẻ Việt đang có cơ hội rất thuận lợi để tiếp cận nền sản xuất đạt trình độ khoa học công nghệ hàng đầu thế giới. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, hiện Nhật đang bắt tay xây dựng xã hội siêu thông minh 5.0, đây là bước tiến mới về khoa học công nghệ và thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam đừng chậm chân trước bước tiến mới này…
Theo Vũ Tiến – báo Tiền Phong