Xuất khẩu lao động: “Để bớt đi những lời kêu cứu từ người lao động”

member1

“Bộ LĐ TB&XH đã tiến hành gần 400 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 10 năm qua, 107 doanh nghiệp vi phạm bị xử lý với 306 hành vi vi phạm chủ yếu như vi phạm quy định đăng ký hợp đồng, tuyển chọn, ký kết và thanh lý hợp đồng… Tổng số tiền xử phạt các doanh nghiệp vi phạm là gần 4 tỷ đồng”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng đưa lao động đi làm việc ở  nước ngoài theo hợp đồng. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 8/3 tại Hà Nội. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có 282 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang hoạt động. Từ năm 2014-2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt xấp xỉ 350.000 người.

bot-loi-keu-cuu-cua-nghuoi-lao-dong
Hội nghị nâng cao chất lượng đưa lao động đi làm việc ở  nước ngoài

“Riêng trong năm 2016, cả nước có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Đài Loan có trên 68.000 lao động, Nhật Bản có gần 40.000 người, Hàn Quốc có trên 8.000 và Ả rập Xê út có trên 4.000 lao động” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Bên cạnh những điểm sáng về thị trường XKLĐ, Bộ LĐTBXH cũng thẳng thắn nêu ra những thực trạng về hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ như: Tổ chức quảng cáo tuyển dụng khi chưa đăng ký hợp đồng, thông tin về làm việc, tiền lương không đúng như đăng ký hợp đồng, không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ, chuyển nguồn lao động cho doanh nghiệp khác, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên một địa phương….

Bộ LĐ-TB&XH thống kê, còn 44/282 doanh nghiệp có giấy phép nhưng chưa đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

tin tức xklđXem thêm: Doanh nghiệp xuất sắc trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH đã mạnh dạn tổ chức Hội nghị chuyên đề XKLĐ sau 9 năm. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, kết quả của công tác xuất khẩu lao động thời gian qua là thành quả, bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp và nâng cao uy tín đất nước.

Trao đổi với lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và các doanh nghiệp XKLĐ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý tới yếu tố minh bạch thông tin thị trường.

“Trong website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, phần giới thiệu doanh nghiệp XKLĐ vẫn chỉ đơn thuần có vài dòng điện thoại và địa chỉ. Thay vào đó, Cục nên có thêm địa chỉ website của doanh nghiệp, thông tin về lịch sử XKLĐ của doanh nghiệp, các đơn hàng của doanh nghiệp hiện có. Đặc biệt, website phải có chuyên mục tiếp thu ý kiến của người lao động. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cần phải coi đó là kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý và có phản hồi lại với người dân” – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đồng quan điểm của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về vai trò của công tác thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các doanh nghiệp XKLĐ: “XKLĐ không chỉ là giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Đây là công tác giúp chúng ta chuẩn bị lực lượng lao động trong thời gian dài tới đây. Khi doanh nghiệp của nước tiếp nhận lao động đầu tư vào VN, những lao động trên là các ứng viên phù hợp nhất. Ngoài ra, XKLĐ cũng qua đó còn là thể hiện hình ảnh đất nước”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tới việc chấn chỉnh những tồn tại trong lĩnh vực XKLĐ thông qua việc kêu gọi đưa toàn thể hệ thống chính quyền địa phương vào cuộc bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH.

“Về cơ chế, Bộ LĐ-TB&XH cần kiểm tra lại hệ thống văn bản quy phạm liên quan tới lĩnh vực XKLĐ, điều gì cần sửa thì nên làm ngay. Những văn bản vượt cấp thì tham mưu để Chính phủ sửa đổi”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần đề cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp XKLĐ, đặc biệt là việc cùng với Tổ chức Lao động quốc tế ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (CoC-VN) thực hiện tới năm thứ 4.

“Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội cần đấu tranh với những doanh nghiệp còn làm chưa tốt, đặc biệt là tình trạng thu phí và “cò” XKLĐ. Hiệp hội cần công khai tên của những doanh nghiệp vi phạm, đồng thời nghiên cứu việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho người lao động khi tham gia XKLĐ như COC-VN của doanh nghiệp”.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét và phê duyệt Đề án đưa lao động có chuyên môn trình độ kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020 và định hướng tới năm 2025.

“Nguồn lao động VN còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Nhận thức và chất lượng của người lao động chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi…” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận 7 nhóm thực trạng còn tồn tại chính trong thị trường XKLĐ, đồng thời Bộ trưởng cũng đề xuất nhiều giải pháp chính để làm lành mạnh hơn thị trường XKLĐ.

“Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con” theo 2 hướng: Nếu thủ tục từ phía đối tác nước ngoài thì cần đàm phán lại. Nếu xuất phát từ phía ngành, Bộ sẽ tích hợp các quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền vào thành Thông tư, nhằm giúp doanh nghiệp và người lao động dễ theo dõi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Với những địa phương triển khai chính sách XKLĐ, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cam kết chỉ đạo cơ quan chức năng tích hợp các văn bản chỉ đạo cụ thể, tránh chồng chéo. Đồng thời, Bộ sẽ làm việc với các địa phương để công khai thông tin và quy trình giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động dễ dàng hơn.

Khẳng định với các doanh nghiệp tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Với doanh nghiệp XKLĐ, Bộ LĐTBXH khuyến khích việc mở thêm thị trường mới. Bên cạnh việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động và tạo việc làm cho người lao động, Bộ sẽ rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm doanh nghiệp có nhiều vấn đề nổi cộm, bớt đi những lời kêu cứu của người lao động khi tham gia XKLĐ. Tránh để một số nhỏ doanh nghiệp làm sai ảnh hưởng tới những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và uy tín”.

Được biết trong 6 tháng qua, Bộ LĐ-TB&XH đã dừng việc cấp giấy phép mới trong lĩnh vực XKLĐ để chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với mục tiêu hỗ trợ tối đa hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu việc đăng ký và cấp giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ qua mạng internet.

Theo dantri.vn


Bài viết liên quan