Với 3 năm liên tiếp vượt chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Năm 2017 ngành Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đạt mục tiêu đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều đáng chú ý, trong năm 2017, nhiều thị trường mới sẽ được triển khai, công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động sẽ được chú trọng.
Đánh giá về công tác xuất khẩu lao động, ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2017 kế hoạch đặt ra là đưa 105.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó các thị trường trọng điểm được kể đến là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Đặc biệt, nhiều thị trường mới như Thái Lan, Australia… sẽ được triển khai sau khi các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác lao động được ký kết. Đáng chú ý hơn, thị trường Đức và Nhật Bản cũng tiếp tục nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc theo các chương trình đã ký kết.
Cũng theo ông Phạm Viết Hương, cuối năm 2016, Nhật Bản cũng vừa thông qua Luật mới tạo nhiều cơ hội cho các lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, việc kéo dài thời gian lưu trú cho các thực tập sinh đến 5 năm và mở rộng tiếp nhận lao động ngành hộ lý điều dưỡng là điểm nhấn quan trọng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tại Nhật Bản cao và nhu cầu đối với nghề này đang là rất lớn. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã có thỏa thuận với Đức liên quan đến vấn đề tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại Đức.
Năm 2017, thị trường xuất khẩu lao động Trung Đông cũng được mở rộng. Đây là cơ hội tốt cho nhiều lao động giải quyết vấn đề việc làm trước mắt, đòi hỏi vốn ít, trình độ kỹ thuật thấp nên rất phù hợp với đa số đối tượng lao động ở nông thôn.
“Thời gian tới, việc ưu tiên, đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài luôn là chủ trương lớn được thực hiện. Dự án Hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có chương trình Hỗ trợ đào tạo lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc gia hoặc theo các hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài đang được triển khai.
Đặc biệt, Đề án “ Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025 sẽ được nghiên cứu hoàn thiện và trình Bộ LĐTB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ” – ông Hương cho biết.
Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ hội việc làm cho những lao động xuất khẩu trong năm 2017 đang là rất lớn, đặc biệt là những người sở hữu chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước là rất lớn, điều quan trọng là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 đặt lên hàng đầu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạn chế tình trạng bỏ trốn bất hợp pháp. Việc giám sát các doanh nghiệp trong công tác tuyển chọn và đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được Cục quản lý lao động ngoài nước siết chặt.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi làm việc ở nước ngoài cũng được chú trọng. Để làm được điều này, theo Cục quản lý lao động ngoài nước, trước hết các doanh nghiệp phải phối hợp với các đối tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi.
Đối với các thị trường có nhiều lao động Việt Nam làm việc, sẽ có các ban quản lý lao động tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chức năng quản lý lao động.
Theo Đại đoàn kết