Nhiều dư địa mới cho hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Nhật Bản

member1

JVNET.vn – Đó là thông điệp mạnh mẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính  Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam diễn ra vào sáng ngày 21/8/2017 tại Tokyo, Nhật Bản.

Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 20-23/8/2017. Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam năm 2017 đã thu hút sự quan tâm và tham dự của gần 170 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, sau gần 45 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể nói quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Hội nghị Việt- Nhật
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn của nhà đầu tư Nhật Bản tại Hội nghị

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước mà đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê vào tháng 1/2017 và gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản trong tháng 6 vừa qua, đã thể hiện sự sâu sắc hơn trong mối quan hệ giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Qua đó, thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế cả ở cấp trung ương và địa phương thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, ODA, lao động, nông nghiệp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và sự phồn vinh chung tại khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, Hội nghị xúc tiến lần này nhằm tăng cường hơn nữa sự đối thoại doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam (thu hút các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư của Nhật Bản mua trái phiếu Chính phủ để phục vụ tái cơ cấu nợ công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…)

Giới thiệu về tình hình kinh tế- xã hội cũng như về môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn của Việt Nam đến với đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô thương mại đạt 360 tỷ đô la Mỹ, gấp hơn 1,6 lần GDP và thu hút được hơn 300 tỷ đô la Mỹ tổng vốn FDI đăng ký. Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 70% giá trị xuất khẩu, chiếm khoảng gần 22% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm cũng như thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Việt Nam với quy mô dân số tiệm cận 100 triệu dân, trong đó có 60% trong độ tuổi dưới 35. Nước ta có lợi thế lớn về khả năng cung cấp một lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng với chi phí cạnh tranh. Hơn nữa, Việt Nam luôn có sự ổn định về chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó thể chế pháp luật và sự minh bạch của Việt Nam không ngừng được cải thiện, từng bước phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm hoạt động lâu dài và phát triển.

Theo đó, các nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng vào thị trường Việt Nam và điều này được thể hiện trong một báo cáo vừa được Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản công bố gần đây. Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. 90% doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu và 63% các doanh nghiệp Nhật Bản đã có lãi trong năm 2016 và 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đầu tư quan trọng. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao sự tin tưởng và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam hiện nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Nhật Bản và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo Tapchitaichinh.vn


Bài viết liên quan