Theo Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ lao động Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 6/2017 là 13.090 người. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 57.424 người, đạt 54,69% kế hoạch năm, tăng 6,08 so với cùng kỳ năm ngoái (3.293 người).
Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất đối với lao động Việt Nam trong tháng 6 vừa qua với 5.755 lao động. Tiếp theo là Đài Loan với 5.691 lao động, Hàn Quốc 818 lao động, Ả rập- Xê út 514 lao động, Malaysia 158 lao động, Algeria 68 lao động, Macao 46 lao động, Thổ Nhĩ Kỳ 25 lao động và các thị trường khác.
Trong năm 2016, cả nước có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2017, ngành LĐTB&XH đạt mục tiêu đưa lao động đi nước ngoài làm việc là 105.000 người. Trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm này, Bộ LĐTB&XH luôn khuyến khích các doanh nghiệp XKLĐ mở thêm thị trường mới. Song song với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động và tạo việc làm cho người lao động, Bộ sẽ rà soát và kiên quyết xử lý nghiêm doanh nghiệp có nhiều vấn đề nổi cộm, bớt đi những lời kêu cứu của người lao động đi tham gia XKLĐ. Tránh để một số nhỏ doanh nghiệp làm sai ảnh hưởng tới những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và uy tín.
Đừng bỏ lỡ: Thông tin HOT nhất về thị trường XKLĐ Nhật
Chương trình xuất khẩu lao động đã giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động mỗi năm. Trong đó gần 50% là lao động được đào tạo sơ cấp, được bổ túc tay nghề chứ không phải là lao động có trình độ tay nghề cao. Chính vì thế, Bộ cũng đang lên kế hoạch xây dựng đề án đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Đề án này sẽ nâng cao tỷ trọng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây chính là lực lượng lao động chính đóng góp sự phát triển nền kinh tế Việt Nam sau khi hoàn thành công việc ở nước ngoài về.
Theo đề án này, mục tiêu đưa hơn 54.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp thiếu việc làm có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và một số quốc gia cần lao động kỹ thuật. Đề án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 2018 – 2020 dự kiến đưa 14.700 lao động đi Đức trong các ngành điều dưỡng, hộ lý, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học.
Bên cạnh đó, đề án cũng dự kiến đưa 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh; kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sang Nhật Bản; đưa 1.800 lao động là kỹ sư các ngành cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin và điện tử cùng nhóm nghề dịch vụ gồm đầu bếp, khách sạn nhà hàng là 150 người sang Hàn Quốc.
Hy vọng đề án này sớm được triển khai cùng với sự phát triển của ngành xuất khẩu lao động nước nhà sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho lượng lớn lao động Việt Nam. Giúp người lao động có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và giúp đời sống người lao động Việt Nam được nâng cao.