Review du học nghề Đức: Học gì? Làm gì? Sống ra sao?

dinhjvnet

Con đường du học nghề Đức ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Không phải vì hào nhoáng mà vì tính thực tế và cơ hội rõ ràng sau tốt nghiệp. Vừa học vừa được trả lương, ra trường nhận việc làm ngay, thậm chí định cư lâu dài. Nghe rất hấp dẫn, nhưng thực tế có như tưởng tượng? Bài viết này sẽ review du học nghề Đức một cách chân thực nhất, dựa trên chính trải nghiệm của những người đã và đang theo học nghề tại Đức. 

review du học nghề Đức
Trọn bộ review du học nghề tại Đức – Bạn cần biết 

Review thực tế du học nghề tại đức

Du học nghề tại Đức không chỉ đơn thuần là học nghề rồi ra trường đi làm, mà là một hành trình trưởng thành trong môi trường hoàn toàn mới. Từ học tiếng Đức, đào tạo nghề đến việc tự lo ăn ở, đi lại, chi tiêu,… tất cả đều đòi hỏi sự chủ động, tự lập và khả năng thích nghi cao. Cùng khám phá review du học nghề tại Đức bên dưới nhé.

Review học tiếng Đức tại Đức

Lúc mới đi du học nghề Đức, việc học tiếng là điều khiến nhiều bạn lo lắng nhất. Dù đã có chứng chỉ B1 trước khi sang, nhưng thực tế lại khác xa sách vở. 

Theo chia sẻ của Hoa – du học sinh đang học nghề tại Đức: “Cũng như các bạn khác, em gặp không ít khó khăn trong việc học tiếng Đức. Nhiều lúc nghe người Đức nói mà không hiểu gì, chỉ biết cười trừ hoặc đoán ý qua nét mặt. Những tình huống đơn giản như mua đồ, hỏi đường hay làm giấy tờ cũng trở thành thử thách thực sự”

Tuy vậy, Hoa cũng cho biết môi trường học tiếng tại Đức giúp bạn tiến bộ nhanh hơn nhiều so với học ở Việt Nam. Lớp học của Hoa có cả người Thổ, Syria, Ukraine, Tây Ban Nha,… ai cũng nói tiếng Đức chưa trôi chảy nên không có cảm giác cô đơn. Giáo viên rất kiên nhẫn, thậm chí còn dùng hình minh họa, ngôn ngữ cơ thể để giải thích. Một vài điều Hoa nhận ra sau vài tháng học tiếng ở Đức đó là:

– Nói sai cũng không sao, miễn là dám mở miệng. Im lặng mới khiến mình chậm lại.

– Nghe nhiều sẽ quen tai, dù lúc đầu có thể chưa hiểu hết nội dung.

– Đi học đều, về nhà dành thời gian học thêm, chỉ vài tháng là thấy bản thân phản xạ tốt hơn hẳn.

Với Hoa, điều thay đổi rõ rệt nhất chính là khả năng phản xạ và nghe hiểu. Từ chỗ chỉ biết gật đầu cho qua, giờ đã có thể trả lời câu hỏi, tự mình xử lý các tình huống đơn giản và quan trọng nhất là không còn sợ sai như trước.

Review quá trình học nghề 

Học nghề tại Đức không chỉ đơn thuần là ngồi trên ghế nhà trường rồi chờ đến ngày tốt nghiệp. Quá trình này gắn liền với việc đi làm thực tế ngay từ năm đầu. Nhiều bạn khi mới bắt đầu thường bất ngờ vì cường độ học, làm khá cao, yêu cầu kỷ luật nghiêm ngặt. Dưới đây là review thực tế của bạn Hoàng Trung Kiên giúp bạn hiểu rõ hơn.

Kiên đang du học nghề ngành cơ khí tại Đức. Kiên chia sẻ, ban đầu bạn nghĩ học nghề chỉ là học vài kỹ năng cơ bản rồi đi làm. Nhưng khi chính thức bước vào chương trình, mọi thứ khác xa tưởng tượng: kiến thức chuyên ngành nhiều hơn dự đoán, môi trường làm việc yêu cầu tính chính xác và kỷ luật cao. Một tuần của Kiên thường chia làm hai phần:

  • 2–3 ngày học lý thuyết tại trường nghề: Nội dung tập trung vào nguyên lý máy móc, bản vẽ kỹ thuật, quy trình sản xuất và an toàn lao động. Tất cả đều bằng tiếng Đức nên Kiên khá chật vật để hiểu bài, nhất là khi gặp các thuật ngữ chuyên ngành. Tuy nhiên, giáo viên giảng khá chậm, thường xuyên đưa ra ví dụ thực tế và sử dụng hình ảnh minh họa. Nên nếu chăm chỉ ghi chép và chịu khó ôn tập sau giờ học vẫn có thể theo kịp bài.

  • Thời gian còn lại đi thực hành tại xưởng: Ban đầu chỉ quan sát và làm các thao tác đơn giản. Sau vài tuần, Kiên bắt đầu được giao việc cụ thể, được hướng dẫn sử dụng máy, làm chi tiết nhỏ.

Kiên cho biết, điều khiến bạn hài lòng nhất chính là việc được học nghề gắn với làm thật. Mỗi ngày đi làm là một ngày tích lũy kinh nghiệm. Không còn cảm giác học xong rồi loay hoay tìm việc. Vì ngay trong lúc học đã hiểu nghề, quen quy trình, có thể làm việc ngay khi tốt nghiệp.

👉 Cập nhật ngay: TẤT TẦN TẬT thông tin mới nhất về chương trình du học nghề Đức 2025 

Review công việc thực tế 

Công việc thực tế trong quá trình học nghề tại Đức thường khiến nhiều bạn bất ngờ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Khác với hình dung ban đầu về một công việc nhẹ nhàng, thực tế lại đòi hỏi nhiều hơn: vừa thể lực, vừa tâm lý, vừa khả năng giao tiếp. Thêm vào đó là áp lực ngôn ngữ, môi trường làm việc nghiêm túc và yêu cầu cao về kỷ luật. 

Review công việc thực tế tại Đức
Review công việc thực tế khi du học nghề bên Đức

Bạn Trần Thu Hà, đang học nghề điều dưỡng năm hai tại Đức chia sẻ rằng khoảng thời gian đầu đi làm là những ngày vô cùng khó khăn.

“Ca đầu tiên bắt đầu lúc 6h sáng, em phải dậy từ 4h30 để bắt tàu. Đến viện, mọi thứ đều mới: chỗ làm, đồng nghiệp, tiếng Đức,… Có những lúc em chỉ nghe được một nửa câu, phần còn lại là đoán. Làm sai không ai mắng, nhưng nhìn nét mặt người ta mình cũng biết mình làm chưa đúng”.

Dù vậy, sau vài tháng, Hà dần quen việc và không còn cảm giác sợ đi làm như trước. Hà cho biết:

– Lịch làm việc chia theo ca, có hôm sáng sớm, có hôm đến tận tối, thậm chí làm cả cuối tuần.
– Công việc không chỉ là chăm sóc mà còn dọn dẹp, thay ga giường, hỗ trợ vệ sinh cá nhân, ghi chép sổ y tế, làm việc với bác sĩ hoặc điều dưỡng trưởng.

– Môi trường làm việc nghiêm túc, đúng giờ, làm theo quy trình, không có chuyện làm qua loa hay cẩu thả.

Thử thách của Hà là giao tiếp với bệnh nhân lớn tuổi người Đức. Không phải ai cũng dễ tính, có người khó chịu, có người nói nhanh. Nhưng thay vì né tránh, Hà dần học cách kiên nhẫn, bình tĩnh và linh hoạt xử lý từng tình huống.

Hà chia sẻ thêm: “Có những buổi làm về mệt rã rời, nhưng cũng có hôm nhận được một câu cảm ơn bằng tiếng Đức từ bệnh nhân là thấy ấm lòng. Mỗi ngày đi làm, em đều học được một cái mới”.

Với Hà, công việc điều dưỡng ở Đức không dễ, nhưng là trải nghiệm giúp bạn rèn được tay nghề, thái độ làm việc rõ ràng và kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường quốc tế. Sau này, dù chọn ở lại hay quay về, Hà tin mình đã có một nền tảng nghề nghiệp vững vàng và trưởng thành hơn rất nhiều so với ngày đầu mới sang

👉 Tìm hiểu: Trọn bộ review du học nghề điều dưỡng tại Đức chi tiết A-Z 

Review ăn ở, đi lại, chi tiêu tại Đức

Chi phí sinh hoạt là một trong những điều khiến nhiều bạn cân nhắc khi quyết định du học nghề tại Đức. Không phải nơi nào cũng đắt đỏ như mọi người vẫn nghĩ. Nhưng cũng không dễ sống nếu không biết cách cân đối. Từ tiền nhà, ăn uống, đi lại đến các chi phí lặt vặt khác. Tất cả các bạn đều phải tự lo, tự tính, không ai nhắc hay quản lý hộ như ở nhà.

Bạn Hoàng Minh Nhật, hiện đang học nghề trong ngành nhà hàng – khách sạn tại Leipzig, chia sẻ về cuộc sống của mình sau hơn một năm tự xoay xở ở Đức:

“Tháng đầu tiên em tiêu hết gần 1.000 EUR, chỉ vì chưa biết cách mua sắm và chọn chỗ ở. Qua tháng thứ hai, em bắt đầu học cách ghi chép lại chi tiêu từng ngày, rồi điều chỉnh dần”. Sau đó, Nhật rút ra một vài kinh nghiệm trong quá trình sống tại Đức:

  • Tiền thuê nhà chiếm phần lớn ngân sách: Ở vùng trung tâm hoặc thành phố lớn như Berlin, Frankfurt, thuê một phòng riêng có thể lên tới 400–600 EUR/tháng. Trong khi đó, các thành phố nhỏ chi phí chỉ khoảng 250–350 EUR/tháng. Nhật chọn ở ghép với 2 bạn khác, vừa tiết kiệm, vừa đỡ cảm giác cô đơn.
  • Ăn uống tự nấu tiết kiệm gấp 2–3 lần so với ăn ngoài: Nhật thường mua đồ trong các siêu thị giá rẻ như Aldi, Lidl hoặc Netto. Một tuần ăn uống nếu tự nấu chỉ khoảng 30–40 EUR. Thỉnh thoảng đổi bữa ra ngoài ăn cho vui, nhưng không nhiều vì giá khá cao và không hợp khẩu vị Việt lắm.
  • Đi lại chủ yếu bằng phương tiện công cộng: Với thẻ sinh viên, Nhật được hỗ trợ vé tháng với mức giá ưu đãi, khoảng 30–50 EUR/tháng tùy khu vực. Tàu điện, bus đều đúng giờ và rất thuận tiện.
  • Các chi phí khác chia đều khi ở ghép: Mỗi tháng, chi phí phụ (điện, ga, nước,…) tầm 50–80 EUR/người. Nhật bảo, khoản này tưởng gói gọn trong tiền nhà, nhưng thực ra đa số nhà thuê ở Đức tách riêng phần này.

Nhật chia sẻ thêm, ban đầu có thể hơi bối rối với đồng euro. Cái gì cũng phải quy ra tiền Việt để so sánh, rồi giật mình vì mọi thứ “sao mà đắt thế”. Nhưng sau vài tháng tự lo, bạn dần quen với việc lập kế hoạch chi tiêu.

Thông qua review du học nghề Đức, các bạn thấy rằng chi phí sinh hoạt không hề rẻ. Nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu biết quản lý. Cuộc sống tuy đơn giản nhưng an toàn, sạch sẽ, quy củ và rất đáng để trải nghiệm. Đây cũng là môi trường tốt để bạn rèn tính tự lập, trưởng thành hơn mỗi ngày.

👉 Tìm hiểu: Chi phí sinh hoạt 1 tháng ở Đức thực tế là bao nhiêu? Lương học nghề có đủ sống? 

Du học nghề nên chọn Đức không? Góc nhìn từ người đã đi

Trước khi sang Đức, bạn Hoàng Thúy Nga cũng từng hoang mang như nhiều bạn: không biết tiếng, chưa từng sống xa nhà và lo lắng đủ thứ về học nghề nơi đất khách. Nhưng sau 3 năm học và làm việc tại đây, nếu ai hỏi “Du học nghề nên chọn Đức không?”, Nga tự tin trả lời rằng: “Rất nên, nếu bạn muốn tìm kiếm con đường thực tế và có tương lai rõ ràng”.

Ở Đức, học nghề không phải chỉ ngồi trong lớp ghi chép rồi thi cử. Bạn vừa học lý thuyết, vừa đi làm thực tế ngay từ năm đầu. Nga học điều dưỡng, tuần 3 buổi đến trường, còn lại đi làm tại viện dưỡng lão. Lúc đầu rất bỡ ngỡ, tiếng chưa tốt, tay nghề chưa quen, gặp người già không biết nói gì, chỉ biết mỉm cười rồi làm theo hướng dẫn. Đây cũng là động lực để Nga cố gắng từng chút một, học thêm từ mới sau mỗi ca làm, quan sát cách đồng nghiệp xử lý tình huống và chủ động luyện tập kỹ năng giao tiếp.

Cái được lớn nhất khi du học nghề chính là kinh nghiệm, kỹ năng và vị trí việc làm rõ ràng sau khi tốt nghiệp. Không phải chạy đôn chạy đáo xin việc hay học thêm bằng cấp khác. 

Môi trường làm việc ở Đức rất rõ ràng, đi làm đúng giờ, nghỉ đúng lịch, ai cũng có trách nhiệm với công việc của mình. Ban đầu hơi áp lực, nhưng nhờ vậy mà Nga trưởng thành rất nhanh.

Du học nghề Đức là hướng đi tiềm năng cho những bạn muốn trau dồi kỹ năng tay nghề – thu nhập cao. Nếu bạn đang phân vân thì lời khuyên rằng: hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, khi bạn còn trẻ, còn sức học và đủ quyết tâm để thay đổi bản thân.

Review du học nghề Đức từ người thật – chuyện thật

Du học nghề tại Đức là một hành trình không dễ, nhưng cực kỳ xứng đáng cho những bạn muốn có tay nghề, thu nhập ổn định và tương lai vững ràng. Câu chuyện của bạn Đỗ Hoàng Hải – từng là sinh viên đại học ở Việt Nam nhưng quyết định rẽ hướng sang Đức học nghề cơ khí. Cùng lắng nghe  review du học nghề Đức cụ thể từ Hải nhé.

Hàng tuần, Hải phải chia thời gian giữa việc học lý thuyết ở trường và thực hành tại xưởng sản xuất. Công việc thực hành không hề nhẹ: đứng máy cả ngày, đo đạc, cắt gọt chi tiết, có khi phải làm đi làm lại chỉ vì sai một thông số nhỏ. Đôi lúc đầu óc căng thẳng bởi vừa phải tập trung làm chính xác, vừa phải hiểu tiếng Đức chuyên ngành. 

Nhưng càng làm thì càng quen. Có những việc đầu tiên thấy khó, sau vài tháng trở nên thành thạo. Điều đáng mừng là ở đây, học nghề được coi trọng. Hải không bị sai vặt, cũng không bị phân biệt là “người nước ngoài”. Thầy dạy ở trường và người hướng dẫn tại công ty đều kiên nhẫn, miễn là bản thân chăm chỉ, chịu khó.

Lương học nghề năm đầu khoảng 950 EUR/tháng. Sau khi trừ tiền thuê nhà, ăn uống, bảo hiểm, mạng,… vẫn tiết kiệm một khoản nhỏ. Không quá dư dả, nhưng đủ sống, không phải xin thêm từ gia đình. Hải tâm sự rằng: “Ở đây, vừa học vừa làm, tự nuôi được bản thân là điều mà mình chưa từng làm được ở Việt Nam”.

Giờ đây, Hải đã học đến năm cuối. Công ty nơi thực tập đã ngỏ lời giữ lại làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp. Từ một người từng mông lung với tương lai, giờ Hải có một nghề rõ ràng, thu nhập ổn định và con đường dài phía trước để tính chuyện định cư, phát triển.

Để theo đuổi hành trình du học nghề ở Đức, bạn phải đủ quyết tâm, nỗ lực, cố gắng mỗi ngày. Chỉ cần không bỏ cuộc giữa chừng, từng bước bạn đi sẽ dẫn đến những thay đổi rõ rệt. Từ khả năng giao tiếp, tay nghề vững vàng đến một công việc ổn định khi ra trường.

Lời kết 

Thông qua review du học nghề Đức, các bạn đã có cái nhìn thực tế hơn về hành trình học tập và sinh sống tại quốc gia châu Âu. Du học nghề Đức là lựa chọn phù hợp cho những bạn muốn tích lũy kinh nghiệm thực tế, đào tạo nghề bài bản và một lộ trình rõ ràng sau tốt nghiệp. Cuộc sống ở Đức có thể không dễ lúc đầu, từ ngôn ngữ, công việc đến sinh hoạt. Nhưng nếu bạn chịu khó và không bỏ cuộc chắc chắn sẽ mang lại kết quả xứng đáng.


Bài viết liên quan