Xuất khẩu lao động có trình độ- chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực?

member1

Không chỉ chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mà chất lượng cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước thì Đề án xuất khẩu 57.000 lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật mới có khả thi.

XKLĐ Nhật Bản cần trình độ cao

Khó đáp ứng nhu cầu của đối tác

Theo Thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) Doãn Mậu Diệp, hiện nay đề án Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025 đã hoàn thiện về bản thảo, đang tiếp tục xin ý kiến các bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ. Theo dự thảo, Đề án sẽ xuất khẩu 57.095 lao động sang làm việc tại Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc với tổng kinh phí lên tới hơn 1.300 tỷ đồng. Đối tượng tham gia Đề án là những người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trung cấp chưa tìm được việc làm, có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài theo đúng ngành đã học.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong xu hướng hội nhập của thị trường lao động quốc tế và Việt Nam vẫn dư thừa lao động, việc xây dựng và thực hiện đề án đưa lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc là cần thiết.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Dũng – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐ TB&XH phân tích, Việt Nam chưa sẵn sàng có nguồn lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật sang Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Điều này thể hiện rõ ở việc số lượng cử nhân thất nghiệp mà Đề án nhắm tới chủ yếu tốt nghiệp ngành kinh tế, xã hội và nhân văn, rất ít kỹ sư. Trong khi số lao động này ở 3 nước trên về cơ bản là không có nhu cầu.

Điều dưỡng tại Nhật Bản
Nhật Bản thiếu hụt trầm trọng điều dưỡng viên

Một vấn đề nữa, Nhật Bản và Đức có nhu cầu lớn về điều dưỡng viên, nhưng Việt Nam chưa đào tạo được theo tiêu chuẩn của 2 nước này. Đối với kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… tương lai nhu cầu trong nước là rất lớn. Nếu đưa số lượng này đi xuất khẩu có thể sẽ làm cho thị trường lao động trong nước mất cân đối, cung không đủ cầu. Thậm chí, nền kinh tế chia sẻ đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam, kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở trong nước vẫn có thể tham gia thị trường lao động quốc tế với thu nhập cao, nên không có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.

kỹ sư Nhật Bản Xem thêm: Chương trình kỹ sư Nhật Bản tại JVNET 

Nhiều băn khoăn về tiêu chí trình độ

Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tiêu chí đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc. Trình độ chuyên môn phải đạt đến mức nào chứ không thể học vài ba tháng.

Ông Đào Công Hải – Nguyên phó Cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước có quan điểm, những người đã tốt nghiệp CĐ và ĐH có thể có nhận thức và tư duy tốt hơn lao động phổ thông, nhưng kỹ năng tay nghề chưa được rèn luyện thì không thể đảm bảo yêu cầu của nước bạn. Để được đi xuất khẩu lao động thì chắc chắn những người này phải được đào tạo lại một thời gian ngắn. Và cử nhân thất nghiệp ở khối ngành kinh tế, xã hội nhân văn cũng có thể đi XKLĐ nếu được học ngoại ngữ tăng cường. Bởi “Sang bên đó, các bạn làm công việc giản đơn, sau đó bổ túc thêm kỹ năng nghề nghiệp sẽ cải thiện được thu nhập.

Suất khẩu lao động Nhật Bản
Xuất khẩu lao động Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ

Ở trong nước, nếu các bạn làm đúng nghề, thu nhập chỉ 4-5 triệu đồng/tháng nhưng đi xuất khẩu lao động làm việc phổ thông, thì mức lương là hơn 20 triệu đồng. Làm việc vài năm, các bạn tích lũy tiền và đẩy mạnh học ngoại ngữ thì khi về Việt Nam sẽ có cơ hội xin việc ở các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập cao” – ông Hải tư vấn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Nhà nước bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng để đổi lấy 57.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài là rất lớn so với những gì thu lại được. Vì thế, ông Hải đề nghị kinh phí của Nhà nước chỉ giúp cho một số loại đối tượng, trong đó có con thương binh, gia đình nghèo. Và chỉ hỗ trợ về ngoại ngữ, bổ túc tay nghề, chứ không bỏ tiền ra mua vé máy bay.

Phản hồi về việc này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, trung bình mỗi lao động tham gia sẽ mất khoảng 25 triệu đồng. Chi phí này đến từ nhiều nguồn đóng góp như người lao động; tiền vay từ ngân hàng để chuẩn bị các điều kiện trước khi xuất cảnh. “1.300 tỷ đồng mới chỉ là chi phí cần thiết nhất (đào tạo giáo dục định hướng, chuẩn bị kỹ năng về ngôn ngữ, luật pháp, chính sách, phong tục tập quán) để người lao động có thể tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Còn tiền đặt cọc và các chi phí khác của người lao động bỏ ra chưa tính đến. Vì thế, so với các chương trình khác, 1.300 tỷ đồng không phải là cao nếu đề án này trở thành hiện thực” – ông Diệp khẳng định.

Theo kinhtedothi.vn


Bài viết liên quan